Nghị định 168 là Nghị định Chính phủ do ông Trần Hồng Hà ký. Đây là Nghị định gây ra cảnh điêu đứng đối với kinh tế người dân, gây khốn đốn cho doanh nghiệp vận tải… Một Nghị định được ban hành với mục đích là làm giảm kẹt xe, nhưng lại làm cho tình trạng kẹt xe còn nghiêm trọng hơn. Đây là mặt trái mà Tô Lâm không cho báo chí nói đến, nó chỉ được nói ra trên mạng xã hội. Tuy nhiên, sự thật đang bị Chính quyền Cộng sản Việt Nam cho rằng, đấy là “luận điệu xuyên tạc”.
Nghị định 168 có mặt trái là dùng để nâng cao mức mãi lộ cho cảnh sát giao thông, và từ đó ngành công an nâng cao thu nhập từ việc xử phạt người dân. Vì thế, Nghị định này mới được xem là một hình thức ban ơn của “vua” cho thành phần đã góp công tạo nên sức mạnh chính trị cho ông.
Để chống lại những lời “ai oán” từ dân, mới đây Thượng tá Nguyễn Văn Bình lên báo nói rằng :
“Từ thực tế cho thấy, người tham gia giao thông cơ bản đã tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, kể cả khi không có lực lượng chức năng.
Rõ ràng, nhận thức và ý thức của người dân khi tham gia giao thông đã có sự thay đổi, góp phần hình thành văn hóa giao thông, lập lại trật tự an toàn giao thông. Tai nạn giao thông đã được kéo giảm rõ nét đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho biết bao gia đình và xã hội.
Tác động tích cực của Nghị định 168/2024 đã đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực chống phá”.
Lời nói của Nguyễn Văn Bình chính là lời nói của người đứng đầu ngành công an. Sau mỗi chính sách mất lòng dân, thì Bộ Công an thường hay phân công người của mình lên báo bao biện, và vu cáo cho những lời than phiền ấy là “xuyên tạc”, là “chống phá”.
Sau Nghị định 168 của “đạo diễn” Lương Tam Quang thì ngay sau đó là đòn đánh bồi của Trần Sỹ Thanh. Ông Trần Sỹ Thanh đã cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội soạn ra Nghị quyết để phạt mạnh hơn nữa, Chính quyền thành phố này dự định mức phạt tăng từ 1,5 đến 2 lần, so với mức phạt của Nghị định 168.
Bao biện cho hành động “đánh bồi” này, phía Chính quyền Thành phố Hà Nội nói rằng, “cần thiết tiếp tục quy định tăng nặng đối với một số hành vi vi phạm giao thông, để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người dân”. Như vậy thì phía Chính quyền Hà Nội khác nào đã thừa nhận rằng Nghị định 168 chưa nâng cao được ý thức người dân. Ấy vậy mà phía Bộ công an lại khẳng định ngược lại.
Nếu dựa trên sự thật thì sẽ không có những lời phát biểu mâu thuẫn nhau từ phía Chính quyền. Khi cần chứng minh luật ấy là đúng họ bảo nó hiệu quả, khi cần tăng nặng hình phạt họ lại bảo luật ấy chưa hiệu quả. Kẻ sau vả vào mặt người trước. Cái gian tự hiển lộ.
Đảng Cộng sản vẫn luôn hô hào “nhà nước ta là nhà nước của dân do dân và vì dân”, tuy nhiên những tiếng kêu “thấu trời” từ người dân họ nào có nghe. Họ vu cho những lời ấy là của “thế lực thù địch xuyên tạc”. Đổ cho thế lực thù địch xuyên tạc là cách dễ dàng nhất để Chính quyền phủi trách nhiệm.
Mức phạt mà Bộ Công an đề ra còn nặng hơn mức phạt với hành vi tương tự ở các nước giàu. Ấy vậy mà giao thông ở các nước giàu vẫn trật tự trong khi ở Việt Nam thì hỗn loạn. Sự khác nhau cơ bản không phải là ý thức mà là tính nghiêm minh của luật pháp. Ở Việt Nam, nạn mãi lộ tràn lan thì làm gì giao thông không hỗn loạn? Dù phạt cao đến mấy mà hiện tượng mãi lộ phổ biến thì các tài xế vô ý thức vẫn không muốn tuân thủ luật pháp. Vấn đề không phải ở phạt nặng mà là ở sự trong sạch của ngành công an. Còn mãi lộ thì còn tài xế ẩu, còn xe không đúng quy định lưu thông.